banner

[Rule] Rules  [Home] Main Forum  [Portal] Portal  
[Members] Member Listing  [Statistics] Statistics  [Search] Search  [Reading Room] Reading Room 
[Register] Register  
[Login] Loginhttp  | https  ]
 
Forum Index Thảo luận hệ điều hành *nix Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows  XML
  [Article]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows - Phần 1 12/01/2007 18:23:36 (+0700) | #1 | 35831
Mr.Khoai
Moderator

Joined: 27/06/2006 01:55:07
Messages: 954
Offline
[Profile] [PM]
CÀI ĐẶT VÀ CẤU HÌNH LINUX SONG SONG VỚI WINDOWS

Được viết bởi: Mr.Khoai
Copyright © 2007 Mr.Khoai.
“You have the rights to copy”

Mở đầu:

Dạo gần đây khoai có nhận được rất nhiều câu hỏi về vấn đề cài đặt và sử dụng song song hai hệ điều hành linux và windows. Một số bạn gặp khó khăn, một số khác lại chả biết bắt đầu từ đâu. Thật tình mà nói, chịu khó google một chút các bạn sẽ tìm ra không ít tài liệu về vấn đề dual-boot widows và linux. Tuy vậy, để tiện việc tham khảo cho mọi người, khoai xin viết một bài về các bước cần và nên làm để chuẩn bị cài đặt và sử dụng song song linux và windows. Bài này sẽ chú trọng việc cấu hình và cài đặt hệ điều hành linux sao cho thích hợp với một hệ thống dùng để học tập và nghiên cứu thêm về IT. Song song với đó là việc dual-boot linux và windows. Bài viết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nhiều lần “re-format”, “re-install”, và “re-build” lại hệ thống của khoai. Do đó, nếu có điểm gì sơ sót, khoai rất mong nhận được góp ý của mọi người.

I. Các bước chuẩn bị
“If you fail to plan, plan to fail” -- by some one who planned and failed.

1. Backup

Backup dữ liệu là bước đầu tiên phải làm trước khi tiến hành bất cứ thay đổi nào trên hệ thống. Không có gì đảm bảo bạn sẽ thành công hoàn toàn, và lại càng không có gì đảm bảo sẽ không có lỗi xảy ra. Do đó, mọi dữ liệu quan trọng trên hệ thống của bạn cần được backup lại.

Điểm đáng lưu ý khi backup là không nên backup dữ liệu lên một phân vùng khác của cùng một ổ cứng. Bạn đang chuẩn bị cài đặt lại hệ thống của mình. Tất nhiên bạn cũng sẽ phải phân vùng lại ổ cứng. Nếu có sai sót gì, toàn bộ dữ liệu trên master boot record [1] có thể bị mất. Dẫn đến dữ liệu trên máy có thể sẽ rất khó được phục hồi.

2. Lựa chọn hệ điều hành

Bạn đã backup dữ liệu của mình, bây giờ bạn có thể tiến hành lựa chọn một hệ điều hành thích hợp với nhu cầu cá nhân. Trên windows, đa phần các hệ thống thông thường sử dụng Windows XP Home Edition, hoặc Professional Edition. Ngoài ra còn có Windows Media Center, hoặc mới hơn nữa là Windows Vista. khoai chưa có dịp sử dụng Windows Vista, và cũng chưa hề thử cài Vista song song với linux. Do đó, bài viết này sẽ không đề cập gì đến Vista cả.

Về phần linux, hiện nay có hàng trăm linux distribution[2] khác nhau. Việc lựa chọn distro (viết tắt cho linux distribution) nào là tuỳ vào nhu cầu cá nhân của bạn. Mọi linux distro đều dựa vào một linux kernel. Một số distro có thêm một vài công cụ do các nhà phát triển distro tạo ra để giúp đỡ cho việc cấu hình hệ thống linux được dễ dàng hơn. Trong bài này, khoai sẽ sử dụng 2 distro là Slackware 11.0 và Fedora Core 6 để minh họa nếu cần thiết. Lý do sử dụng 2 distro này thay vì các distro khác là vì 2 distro này có khác nhiều điểm khác nhau. Ví dụ, Slackware chỉ sử dụng text mode để install trong khi Fedora Core dùng GUI; Slackware có một package manager rất đơn giản, còn Fedora Core dùng Redhat Package Manager (rpm) có kiểm tra dependency; Slackware dùng lilo làm boot loader trong khi Fedora Core sử dụng GRUB làm boot loader mặc định.

Các linux distribution thường được cung cấp miễn phí, và bạn hoàn toàn có quyền download tại website của distro đó. Các distro thường được cung cấp dưới dạng iso và có thể được burn ra CD hoặc DVD dễ dàng.

3. Tính toán phân chia ổ cứng

Bước tính toán để phân vùng ổ cứng là một bước rất quan trọng mà rất nhiều người khi mới tiến hành cài đặt linux thường xem nhẹ và bỏ qua. Bước này đòi hỏi bạn phải tính trước hệ thống của bạn sẽ được sử dụng như thế nào. Bạn muốn linux và windows hoàn toàn tách biệt? Hay muốn có một số phân vùng được dùng để chứa dữ liệu và chia sẽ cho cả hai? Hay là bạn lại muốn cả 2 hệ thống hoàn toàn có thể truy cập dữ liệu của nhau dễ dàng? Trước khi tiến hành tính toán để phân chia ổ cứng cho linux và windows, khoai sẽ giới thiệu một số thư mục quan trọng và cơ bản cho hệ thống linux, cũng như một số chi tiết về việc phân vùng cho thư mục đó.

a. Thư mục /:
Đây thường được gọi với tên “root directory”--nghĩa là thư mục gốc. Đây là nơi sẽ chứ mọi thư mục con khác. Đây là thư mục bắt buộc phải có cho bất cứ một hệ thống linux nào.

Nếu bạn không quan tâm đến việc tối ưu bước phân vùng, bạn chỉ cần tạo một phân vùng khoảng 5Gb và mount [3] vào / là hoàn toàn có thể cài đặt và sử dụng linux một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong bài này, khoai đề nghị phân vùng dành cho / chỉ cần 1Gb là đã khá rộng rãi.

b. Thư mục /boot:
Thư mục /boot thường được dùng để chứa kernel, và các cấu hình để boot hệ thống.

Có rất nhiều tài liệu khuyên nên tạo một partition riêng cho /boot. khoai nhận thấy việc này là không cần thiết. Bạn có thể để trực tiếp /boot trong phân vùng dành cho /. /boot chỉ cần thiết khi bạn có ý định sử dụng nhiều linux distro khác nhau trên cùng một hệ thống. Khi đó, bạn có thể đặt tất cả các kernel, các options và các cấu hình vào một phân vùng, và mount vào /boot cho mỗi distro.

c. Thư mục /home
/home là nơi chứa tất cả các dữ liệu cá nhân cho từng user trên hệ thống (ngoại trừ user root). Việc tính toán chính xác bạn cần bao nhiêu chỗ trống cho /home là điều rất khó khăn; trừ khi bạn tiến hành giới hạn tài nguyên cho từng account trên hệ thống và bạn biết rõ sẽ có bao nhiêu account. Do đó, khoai thường phân chia các phân vùng khác trước, và phần còn dư lại được dành cho /home.

d. Thư mục /tmp
/tmp là thư mục dùng để chứa các file tạm. Các file này thường được xóa sau khi chương trình đã hoàn tất và thoát. Nhiều người không tạo thêm một phân vùng riêng cho /tmp mà để /tmp như một thư mục trong /. Điều này hoàn toàn vô hại đối với một hệ thống cá nhân.

Một điểm lưu ý là các users đều phải có quyền write và read trên /tmp. Một user bình thường hoàn toàn cần có /tmp để chứa các file tạm khi user đó sử dụng hệ thống. Một user hoàn toàn có khả năng tạo ra hàng loạt các file có kích thước lớn trong /tmp để làm đầy partition /, và tình trạng này hoàn toàn có khả năng DoS [4] và làm ảnh hưởng đến hệ thống của bạn. Ngoài ra, còn có một số trường hợp tấn công trực tiếp sử dụng /tmp vì user hoàn toàn có lý khi có toàn quyền read, write trên /tmp. Do đó, nên tạo một partition riêng, dành cho /tmp. Partition này có thể được mount thêm với option noexec để không cho bất cứ user nào có quyền execute file trên /tmp, hạn chế tối đa khả năng một user lợi dụng /tmp làm nơi chứa các file thực thi mà bạn không xác định rõ chức năng. Một partition dành cho tmp cần khoảng 500Mb. Nhưng nếu ổ cứng của bạn rộng rãi, bạn nên để khoảng 1Gb dành cho /tmp. Nếu không đủ, tất nhiên chúng ta hoàn toàn có thể “gia tăng thêm” kích thước cho /tmp.

e. Thư mục /var
/var thường được gọi là “kho chứa log” cho cả hệ thống. Mặc định, rất nhiều chương trình sẽ có log ở một trong các thư mục nằm trong /var. /var có thể không cần riêng một partition cho nó, nhưng nên để thêm 500Mb vào partition / khi bạn quyết định đặt /var nằm trong partition /.

Tương tự với /tmp, các file log trong /var có khả năng làm ngập partition root. Nếu có thể, bạn nên tạo một partition riêng cho /var. Nếu bạn có ý định sẽ sử dụng hệ thống này như một web server, một IDS [5], hay bất cứ một dịch vụ hoặc chương trình nào đòi hỏi bạn sẽ cần có rất nhiều log thì bạn nên tạo một partition riêng cho /var. Khi đó, kích thước của var nên gia tăng tuỳ theo nhu cầu của bạn.

f. Thư mục /usr
/usr là nơi chứa rất nhiều các chương trình được cài đặt trên hệ thống. Ngoài ra, /user còn dùng để chứa các library, các file include, các manual pages vân vân. Với một hệ thống cá nhân nho nhỏ, /usr cần khoảng 3Gb đến 4Gb. Tuy vậy, sau khi cài đặt hệ thống, kích thước của /usr ít khi có thay đổi đáng kể. Thường sau khi cài đặt, một hệ thống dùng khoảng 80% chỗ trống được dành cho /usr, và con số này thường không thay đổi. /usr có thể được đặt trong partition dành cho / (nhưng phải gia tăng kích thước partition này thêm 3,4 Gb) hoặc cũng có thể được dành riêng một phân vùng.

[*] Ngoài các thư mục chính kể trên, linux còn các thư mục khác nằm ngay trong /. Các thư mục này thông thường không đòi hỏi phải có riêng một partition. Linux còn cần có một partition swap để làm vùng nhớ tạm khi RAM không đủ. swap thường chiếm khoảng 2 lần kích thước của RAM. Nếu có điều kiện, tốt nhất là nên mua thêm một ổ cứng nho nhỏ, dùng để chứa swap và /tmp. Do swap và /tmp thường được truy xuất nhiều và liên tục, tách chúng ra lên một ổ cứng khác sẽ giúp ổ cứng chính của bạn sống lâu hơn :~)

Nếu bạn có nhu cầu chia sẽ một số dữ liệu cho cả hai hệ thống linux và windows, khoai đề nghị tạo thêm một phân vùng lớn để chứa dữ liệu. Phân vùng này sẽ được format dạng fat, để windows và linux có thể dễ dàng sử dụng dữ liệu bên trong. Linux có hỗ trợ đầy đủ cho cả ntfs và fat, nhưng windows thì lại không thể nhận ra các filesystem như ext2, ext3 hay reiserfs. Trên windows, để truy xuất một phân vùng định dạng khác ntfs và fat, bạn phải cần có một chương trình khác để làm việc đó.

Còn tiếp...

khoai

[1]-Master Boot Record là phần dữ liệu nằm ở đầu của một ổ cứng. Phần này chứa tất cả thông tin về các partition, và các phân chia sector, cylinders vân vân. Một partition table trong master boot record chỉ có thể chứa tối đa 4 partitions. Nhưng một trong số đó có thể là địa chỉ trỏ đến một extended partition table. Trong extended partition table, số lượng partition sẽ nhiều hơn. Các partition nằm trên partition table chính thường được gọi là các primary partition. Trong khi các partition nằm trong extended partition table thường được gọi là logical partition hoặc extended partition.

[2]-Linux distribution là các bản phân phối linux. Tất cả các bản đều sử dụng chung một linux kernel (cho dù thường thì khác version). Điểm khác biệt cơ bản của các distro với nhau là ở mặt cấu trúc thư mục, cấu hình, library, và các hỗ trợ cho người dùng. Nếu bạn có thể dùng một distro, bạn hoàn toàn có khả năng sử dụng một distro khác. Để cài đặt bất cứ distro nào, xin mời tham khảo thêm tài liệu của cụ thể distro đó.

[3]-mount: Trên một hệ thống linux, hoặc các hệ thống “giốn Unix” nói chung, một phân vùng cần được mount trước khi sử dụng. Một phân vùng sẽ được mount vào một thư mục, và tất cả dữ liệu ghi vào thư mục đó sẽ được ghi lên phân vùng đã mount. ví dụ: phân vùng số 1 được mount tại /, và phân vùng số 2 được dành để mount tại /tmp. Nếu ta không mount phân vùng số 2 tại /tmp mà tiến hành ghi một file lên /tmp, file đó sẽ nằm trong phân vùng số 1. Nếu ta mount phân vùng 2 tại /tmp, và ghi một file khác lên /tmp, file này sẽ được nằm trong phân vùng số 2. Trên hệ thống windows cũng có khái niệm mount ổ cứng, ổ CD, USB vân vân, nhưng khái niệm mount này thường được hiển thị cho người dùng ở dạng “ổ đĩa” C, D, vân vân. Do đó, khái niệm mount trên hệ thống windows ít được biết đến và sử dụng.

[4]-DoS là từ viết tắt của Denial of Service(s). Đây là một kiểu tấn công làm cho một hệ thống không thể cung cấp một hoặc một vài dịch vụ nào đó. Một hình thức tấn công DoS đơn giản là cắt dây điện để hệ thống không thể hoạt động, hoặc phức tạp hơn có thể dùng một số công cụ tự động làm ngập đường truyền mạng. Ngoài ra còn có một số hình thức tấn công khác như DDoS hoặc RDDoS. Các vấn đề về DoS sẽ không được đề cập quá chi tiết trong bài viết này.

[5]-IDS là từ viết tắt của Intrusion Detection System. Đây là một hệ thống dùng để quản lý và kiểm tra xem hệ thống của bạn có dấu hiệu bị tấn công hay không.
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 13/01/2007 14:04:35 (+0700) | #2 | 35992
[Avatar]
lihavim
Elite Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 08/06/2004 15:19:32
Messages: 506
Offline
[Profile] [PM]

Mr.Khoai wrote:
d. Thư mục /tmp
/tmp là thư mục dùng để chứa các file tạm. Các file này thường được xóa sau khi chương trình đã hoàn tất và thoát. Nhiều người không tạo thêm một phân vùng riêng cho /tmp mà để /tmp như một thư mục trong /. Điều này hoàn toàn vô hại đối với một hệ thống cá nhân.  

Em có tìm qua về thằng tmp này nhưng không thấy thông tin cần thiết nên đành hỏi anh.
Vậy tmp mục đích để làm gì? Để ghi file tạm, tất nhiên. Nhưng tại sao lại phải tạo một thư mục lớn riêng để ghi file tạm, trong khi người dùng có thể thao tác ngay trên thư mục của mình, còn chương trình có RAM và swap?
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 13/01/2007 16:06:49 (+0700) | #3 | 36008
Mr.Khoai
Moderator

Joined: 27/06/2006 01:55:07
Messages: 954
Offline
[Profile] [PM]
chào lihavim,

/tmp là một thư mục bắt buộc phải có trong một hệ thống *nix. Đây là một thư mục do OS cung cấp, và dành cho các applicaitons sử dụng. Việc các applications có dùng /tmp hay không thì còn tùy vào applications đó.

1. Vì sao không dùng RAM/swap? RAM và swap cần được "để dành" cho nhiều application khác. RAM/swap là nơi để chứa các dữ liệu liên tục thay đổi trong quá trình một chương trình đang chạy. Hơn nữa, RAM/swap đôi khi không đủ dùng. Ví dụ: Máy của anh có 512Mb RAM và 512Mb swap, vậy thì nếu anh muốn download một file 2Gb thì làm sao?

2. Vì sao không nên dùng user home? VÌ một sys-admin không "rãnh" để kiểm tra home của từng user. Một chương trình nên dùng /tmp để lưu file tạm, và sys-admin có thể dùng một cron script để xóa sạch sẽ /tmp mỗi đêm, hoặc mỗi lần boot.

Hy vọng là giải thích được phần nào thắc mắc của em

khoai
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 14/01/2007 14:51:54 (+0700) | #4 | 36167
[Avatar]
lihavim
Elite Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 08/06/2004 15:19:32
Messages: 506
Offline
[Profile] [PM]

Mr.Khoai wrote:
Hy vọng là giải thích được phần nào thắc mắc của em
 

Vâng, cảm ơn anh đã trả lời, em đã hiểu smilie
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 15/01/2007 12:52:44 (+0700) | #5 | 36368
[Avatar]
BachDuongTM
Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 29/06/2006 17:39:39
Messages: 85
Offline
[Profile] [PM] [Email]
bài viết này đọc hay thiệt đó,thanks so much

tổng hợp lại chút xíu
đứng đầu là /boot = 200 mb <theo mình như vậy là hợp lý> primary partions <chả biết có đúng chính tả kô nữa smilie >
tiếp theo là một bọn extend partions gồm
/swap = 2*Ram : chia vùng sớm tức là ở ngoài rìa ổ cứng sẽ chạy nhanh hơn smilie
/tmp = 1G hoặc hơn chút xíu 1,5Gb đi
/usr = 4G : đủ kô nhỉ ?
/var = cái nè mình để 2G max thôi vì còn burn ra đĩa nữa chứ ai để vô đây làm chi cho mệt

còn lại là /home full nhỉ
ý quên ,tập hợp tất cả những cái còn lại là / thì chưa mount vô đâu nhỉ ,thôi thì phân vùng cho nó khoảng 2G chắc là ổn.


ps:bản CentOS mình cài full / có 900mb ah,chả hiểu bác Khoai cài gì mà ghê thế ???chắc phải nghĩ lại cái này thôi.tất nhiên là cài mà home chưa có ai cả
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 15/01/2007 13:34:35 (+0700) | #6 | 36383
Mr.Khoai
Moderator

Joined: 27/06/2006 01:55:07
Messages: 954
Offline
[Profile] [PM]
Chào BachDuongTM,

thật ra /boot chỉ 100Mb là dư rồi. kernel chỉ có vài Mb mà thôi. Chắc bạn không xài đếng cả chục kernel đâu. Với lại, khoai cũng có viết, /boot có nên tạo thêm một partition hay không là còn tùy.

/ của khoai hiện tại chỉ có gần 750 Mb mà thôi. Đấy là đã có KDE và Open Office rồi đấy smilie

khoai
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Re: Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 17/01/2007 00:42:36 (+0700) | #7 | 36665
subnetwork
Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 05/09/2004 06:08:09
Messages: 1666
Offline
[Profile] [PM] [WWW] [Yahoo!]
Tôi viết thêm một chút, theo suy nghĩ và kiến thức hạn hẹp của tôi smilie)
Thật ra cài đặt Linux chỉ cần 2 phân vùng là đủ, phân vùng /swap .

Nếu bạn sử dụng Linux với mục đích học tập thì tôi nghĩ phân chia ra làm 3 phân vùng và phân vùng còn lại cho phần mềm cài đặt hệ điều hành ảo chẳng hạn như VMWare, Parallels Workstation, ... để khám phá những hệ điều hành *nix mà bạn chưa từng tiếp xúc nó .

Hoặc có thể phân chia thêm 1 phân vùng dùng cho mục đích chẳng hạn như backup hệ điều hành .

Tôi nghĩ thêm phân vùng cho thư mục /boot/var là không cần thiết , phân vùng bắt buộc phải thêm là /tmp

Sao Mr.Khoai không giới thiệu luôn các thư mục như /mnt , /dev luôn (phục vụ cho việc backup, sao chép dữ liệu) .
Nếu thêm hai phân vùng này bài viết trở nên good hơn :cry:

Thân
Quản lý máy chủ, cài đặt, tư vấn, thiết kế, bảo mật hệ thống máy chủ dùng *nix
http://chamsocmaychu.com
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 17/01/2007 05:03:41 (+0700) | #8 | 36705
[Avatar]
xoai13388
Elite Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 20/07/2003 07:28:42
Messages: 47
Location: A Peace Field
Offline
[Profile] [PM]
/opt nơi chứa chương trình mở rộng
/etc nơi chứa các file cấu hình tương tự control panel của Windows
/initrd có ở một số distribution chứa thông tin khởi động
/lib chứa những file thư viện, các file cần thiết để chạy chương trình
/lost+found các dữ liệu được lưu vào đây khi có lỗi

em thì em cứ 1 partition / với 1 partition /swap thôi
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 17/01/2007 16:31:43 (+0700) | #9 | 36801
Mr.Khoai
Moderator

Joined: 27/06/2006 01:55:07
Messages: 954
Offline
[Profile] [PM]
Hix, xin cáo lỗi cùng bà con, dạo gần đây tự nhiên khoai có nhiều việc bận đột xuất :~( Do đó phần tiếp theo có lẽ sẽ bị trễ hơn dự định. Khoai sẽ cố gắng cập cập nhật thêm các thư mục khác trên / để làm luôn một cái "linux filesystem hierchy" nếu được.

khoai
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Re: Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 18/01/2007 13:04:42 (+0700) | #10 | 36950
[Avatar]
lihavim
Elite Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 08/06/2004 15:19:32
Messages: 506
Offline
[Profile] [PM]

Golden Autumn wrote:
Tôi nghĩ thêm phân vùng cho thư mục /boot/var là không cần thiết , phân vùng bắt buộc phải thêm là /tmp  

Tại sao phải bắt buộc thêm phân vùng cho tmp ạ? Em xài chung thằng /tmp với / thấy bình thường mà smilie
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Re: Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 24/01/2007 11:59:10 (+0700) | #11 | 37869
bachhanan
Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 06/01/2007 00:28:29
Messages: 23
Offline
[Profile] [PM]
Em mới bắt đầu dùng Fedora core 6 nên đọc nhữnd điều trên chưa hiểu mấy.

Bác làm ơn nói giúp thêm cách cài mạng được không, em dùng máy Acer 5570, mà mạng wifi hay Lan đều không được.

Hepl me plz. Tks
[Up] [Print Copy]
  [Article]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows - Phần 2 08/02/2007 13:26:33 (+0700) | #12 | 40667
Mr.Khoai
Moderator

Joined: 27/06/2006 01:55:07
Messages: 954
Offline
[Profile] [PM]
hm, vì một số lý do cá nhân nên phần tiếp theo của bài này không được hoàn tất như dự kiến. khoai xin lỗi bà con. Hiện tại, khoai đã hoàn thành hết các partition chính trong /. Phần tiếp theo sẽ tiến hành partition, install và chỉnh lại boot loader. khoai sẽ cố gắng viết xong trong thời gian ngắn nhất smilie)
----------------------------------------

g. Thư mục /bin:
Đây là thư mục chứa các chương trình cơ bản nhất trong hệ thống. Các file binary [6] này thường là các chương trình thiết yếu và đủ để hệ thống có thể khởi động và làm việc ở mức căn bản.

Thông thường, không ai tạo riêng một partition cho /bin. Lý do đầu tiên là kích thước của /bin rất nhỏ, và lại rất cố định. Nhưng lý do quan trọng hơn là bởi vì chức năng của /bin. Khi kernel [7] được load bởi bootloader, việc đầu tiên là kernel sẽ tiến hành mount partition /. Sau đó, các partition khác sẽ được mount sau bởi các init script [8]. Các init script cần có 2 lệnh mount và umount, nằm trong /bin, để có thể tiến hành mount các partition khác. Ngoài ra, trong /bin còn có các chương trình cần thiết khác để khởi động như shell, login, cp vân vân. Do đó, /bin cần được đặt trong partition dành cho /.

h. Thư mục /dev:
/dev là nơi kernel đặt các device file. Trong linux và các hệ điều hành Unix-like, mỗi device đều được gán cho một file và các file này sẽ được đặt trong /dev. Khi một tiến trình nào đó muốn truy xuất một device, tiến trình đó sẽ sử dụng các file device này. Ngoài các file device dành cho các hardware trên hệ thống, ở /dev còn có thêm một số file rất tiện dụng như /dev/zero, /dev/null, /dev/random.

Mỗi ổ cứng đương nhiên cũng được tạo một device file trong /dev. Tuy nhiên, chi tiết về device file dành cho hdd (hard disk drive) sẽ được đề cập kỹ hơn trong phần tiến hành partition ổ cứng.

/dev là một pseudo filesystem. Nghĩa là directory /dev là một file system ảo. Kernel sẽ tự tạo và đặt các device file vào /dev nếu như kernel nhận ra device đó. Bất kỳ một device nào cũng cần có driver để tương tác với kernel. Driver cho linux thường đã được nằm sẵn trong kernel. Bạn nào có config và rebuild kernel sẽ nhận ra có rất nhiều driver được support. Các driver được kernel support có thể được build trực tiếp vào kernel, hoặc được compile thành module. Ngoài ra, driver còn có thể được cung cấp dưới dạng kernel loadable module từ nhà sản xuất, hoặc từ các nhóm phát triển khác.

i. Thư mục /lib:
/lib thường là nơi chứa các library cần thiết cho hệ thống hoạt động. Một số thư mục khác cũng dùng để đặt lib gồm có: /usr/lib, /usr/local/lib.

Một thư mục đáng quan tâm khác trong /lib là /lib/modules. /lib/modules chứa các modules của kernel đang dùng. Nếu trên máy tính có nhiều hơn 1 kernel, trong /lib/modules sẽ có các directory khác tương ứng cho từng version của kernel.

/lib cần được đặt trong partitions /. kernel đôi khi cần phải load các modules, hoặc sử dụng một số share library trong /lib trước khi mount các partition non-root. Ngoài ra, các chương trình thực thi khác, nếu không compile static thì vẫn phải sử dụng rất nhiều library trong /lib.

j. Thư mục /media/mnt
Hai thư mục này thường được dùng để đặt các mount point. Như đã bàn ở trên, một partition muốn dùng được phải được mount. Các mount point đó thường được đặt trong /mnt. Một số các chương trình ứng dụng mới không dùng /mnt mà dùng /media là nơi default để đặt các mount point. Do đó, rất nhiều distro cung cấp cả hai thư mục, và sử dụng link để tương thích cho thói quen của user và các application.

k. Thư mục /opt:
/opt thường được dùng làm nơi cài đặt thêm các chương trình mang tính “optional”, có nghĩa là không thật sự cần thiết cho hệ thống. Cá nhân khoai nhận thấy /opt thường ít được sử dụng.

l. Thư mục /proc:
/proc cũng là một pseu-do filesystem. Các file/thư mục trong /proc sẽ được kernel khởi tạo trong lúc hoạt động. Trong /proc sẽ có các file/thư mục tương ứng cho các process đang chạy, và ngay cả kernel. Rất nhiều kernel parameters có thể được xem và thay đổi bằng cách edit trực tiếp các file tương ứng trong /proc mà không cần dùng sysctl.

m. Thư mục /root:
/root là home directory cho account root. Thư mục này cũng tương tự như các home directory khác trên hệ thống. Chỉ khác ở điểm thư mục này không nằm trong /home/username mà được đặt ngay trong /.


[6]-Binary: Trên linux, các file chủ yếu được phân ra hai loại chính: text file, và binary file. Text file là các file chỉ chứa các ký tự ASCII. Còn lại đều được gọi là binary file. Các file binary file này có thể là phim, nhạc, hình ảnh, vân vân. Tuy nhiên, binary file được đề cập trong bài là các file chứa mã thực thi cho hệ thống. Các file binary này đã được compile và được link để có thể chạy được.

[7]-Kernel: kernel là từ dùng để chỉ phần lõi của hệ thống. Bất kỳ một hệ điều hành nào cũng có kernel. Linux nói cho chính xác thì chỉ là kernel mà thôi. Kernel là một chương trình giúp cho các chương trình khác có thể giao tiếp với nhau, và với các phần cứng thông qua driver. Source cho linux kernel được cung cấp tại http://www.kernel.org.

[8]-init script là từ dùng để chỉ các đoạn shell script được chạy mỗi lần máy tính khởi động. Các init scripts này thường được đặt trong /etc/rc.d, hoặc /etc/init.d tuỳ theo distribution. Các init script này dùng để chạy các chương trình cần thiết khi khởi động, để mount các partitions cần thiết, để chạy các service, hoặc để chỉnh sửa các thông số cho kernel, vân vân. Các init script thường được phân loại dựa theo boot level. Để biết thêm chi tiết về boot level (hoặc init level), xin mời tham khảo thêm man page của inittab và initscript.
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 09/02/2007 07:59:38 (+0700) | #13 | 40820
[Avatar]
lQ
Moderator

Joined: 29/03/2005 17:06:20
Messages: 494
Offline
[Profile] [PM]
hi Khoai, xin bổ sung 1 ý về swap. Tớ có đọc 1 tài liệu hướng dẫn cài đặt Red hat Enterprise Linux AS 4. RH nói rằng nếu dung lượng swap cần thiết > 2G thì nên tạo thêm 1 swap partition khác. Cụ thể nếu RAM = 4G thì nên tạo 2 swap partitions 2G. Trích tài liệu của RH
http://www.redhat.com/docs/manuals/enterprise/RHEL-3-Manual/pdf/rhel-ig-ppc-multi-en.pdf
If your partitioning scheme requires a swap partition that is larger than 2 GB, you should create an additional swap partition. For example, if you have 4 GB of RAM, you may want to create two 2 GB swap partitions. 


Ko biết đã có ai kiểm chứng cái này chưa nhỉ? Và ko biết là cài 1 hay nhiều swap partition khi cần thiết, thì cái nào lợi hơn.


[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 10/02/2007 00:29:18 (+0700) | #14 | 40909
Mr.Khoai
Moderator

Joined: 27/06/2006 01:55:07
Messages: 954
Offline
[Profile] [PM]

lQ wrote:
hi Khoai, xin bổ sung 1 ý về swap. Tớ có đọc 1 tài liệu hướng dẫn cài đặt Red hat Enterprise Linux AS 4. RH nói rằng nếu dung lượng swap cần thiết > 2G thì nên tạo thêm 1 swap partition khác. Cụ thể nếu RAM = 4G thì nên tạo 2 swap partitions 2G. Trích tài liệu của RH
http://www.redhat.com/docs/manuals/enterprise/RHEL-3-Manual/pdf/rhel-ig-ppc-multi-en.pdf
If your partitioning scheme requires a swap partition that is larger than 2 GB, you should create an additional swap partition. For example, if you have 4 GB of RAM, you may want to create two 2 GB swap partitions. 


Ko biết đã có ai kiểm chứng cái này chưa nhỉ? Và ko biết là cài 1 hay nhiều swap partition khi cần thiết, thì cái nào lợi hơn.


 

khoai cũng chưa có điều kiện để kiểm chứng. Có lẽ là để redundancy? Hoặc để balance load ra nhiều partition?
khoai
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Re: Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 11/02/2007 02:06:13 (+0700) | #15 | 41061
subnetwork
Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 05/09/2004 06:08:09
Messages: 1666
Offline
[Profile] [PM] [WWW] [Yahoo!]
Tôi mới thử download Redhat Enterprise Linux AS về và cài đặt nó . Mình có nhận xét về nó sau khi phân chia phân vùng cho nó như sau :
Mình chia 3 partition : / và 2 phân vùng swap . Mọi thứ đều cài đặt tốt, tức là khi cài đặt xong hệ điều hành thì không thấy lỗi gì xuất hiện . Kernel của nó là 2.6.9-22.EL
Thử cài đặt Apache, Mysql (restore database có dung lượng hơn 500MB) , Php trên server thì thấy tải trên server (có phân chia 2 phân vùng swap) xuất hiện cao nhiều hơn so với tải server có phân chia 1 phân vùng swap . Bình quân 2-3% còn tải trên PC có phân chia 1 phân vùng thì dưới 1% .

Có thể mục đích của cách phân chia 2 phân vùng swap là theo kiểu standby và active hay không nhĩ, khi phân vùng active bị crash thì phân vùng còn lại stanby được đưa vào thay thế
. Phần này mình chưa tìm hiểu kỹ vì ít thấy tài liệu nào nói về cách chia 2 partition swap cả, anh em tìm hiểu nó thử xem . smilie)
Quản lý máy chủ, cài đặt, tư vấn, thiết kế, bảo mật hệ thống máy chủ dùng *nix
http://chamsocmaychu.com
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 14/03/2007 12:50:37 (+0700) | #16 | 46581
FaL
Moderator

Joined: 14/04/2006 09:31:18
Messages: 1232
Offline
[Profile] [PM]
:::Anh KHoai ơi, cho em hỏi thêm về Primary và Extend Partition. Có sự khác biệt nào khi chứa dữ liệu trong đó không ạ? Bởi chỉ chia được maximum là 4 Primary partition trên 1 ổ IDE (các loại ổ khác em chưa được biết).
Hãy giữ một trái tim nóng và một cái đầu lạnh
[Up] [Print Copy]
  [Question]   Cài đặt và hiệu chỉnh linux song song với windows 14/03/2007 20:25:53 (+0700) | #17 | 46605
Mr.Khoai
Moderator

Joined: 27/06/2006 01:55:07
Messages: 954
Offline
[Profile] [PM]
Chào FaL,

Theo khoai được biết, extended partition là partition mà địa chỉ của nó được lưu trong extended partition table. Về bản chất thì primary hay extended đều không khác nhau.

khoai
[Up] [Print Copy]
[digg] [delicious] [google] [yahoo] [technorati] [reddit] [stumbleupon]
Go to: 
 Users currently in here 
1 Anonymous

Powered by JForum - Extended by HVAOnline
 hvaonline.net  |  hvaforum.net  |  hvazone.net  |  hvanews.net  |  vnhacker.org
1999 - 2013 © v2012|0504|218|