banner

[Rule] Rules  [Home] Main Forum  [Portal] Portal  
[Members] Member Listing  [Statistics] Statistics  [Search] Search  [Reading Room] Reading Room 
[Register] Register  
[Login] Loginhttp  | https  ]
 
Forum Index Thông tin về các địa chỉ và tài liệu hữu ích James W. Johnson - Tư duy thuận lý  XML
  [Question]   James W. Johnson - Tư duy thuận lý 25/02/2008 13:58:47 (+0700) | #1 | 116532
[Avatar]
tmd
Member

[Minus]    0    [Plus]
Joined: 28/06/2006 03:39:48
Messages: 2951
Offline
[Profile] [PM]
Tư tưởngTriết học
James W. Johnson
Tư duy thuận lý
Cao Hùng Lynh dịch
Suy luận, Ý tưởng, Khái niệm – chúng ta không hiểu não bộ hoạt động ra sao để sản sinh ra những từ ngữ này; nhưng chúng ta biết rằng các suy luận bằng ngôn từ của chúng ta được hình thành theo ba cách. Cố nhiên, có nhiều cách khác mà các suy luận phi ngôn từ dựa vào để phát triển. Nhưng nếu muốn tin cậy vào một điều gì đó vững chắc, chúng ta cần phải rời khỏi toà lâu đài xây trên cát để cậy nhờ đến thành trì kiên cố của logic. Các tiến trình nhận thức củng cố cho sự tư duy thuận lý là suy luận quy nạp (Inductive), suy luận diễn dịch (Deductive) và suy luận giản lược (Reductive).
Suy luận quy nạp
Quy nạp (Induction) có nguồn gốc từ tiếng La-tinh in và duco, có nghĩa là “dẫn đến”. Trong vai trò hình thức tư duy, nó là tiến trình suy xét chứng cứ được quan sát nhằm đi đến một kết luận chi phối chứng cứ ấy. Khi quan sát một tình huống, một loạt các tình huống, nhiều sự vật hoặc các dữ kiện khác bằng giác quan, chúng ta cố gắng hiểu chúng bằng cách đưa ra một kết luận có tính chất ước đoán nhằm giải thích dữ kiện hoặc áp dụng dữ kiện ấy cho các dữ kiện tương tự khác. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta đã xây dựng một nguyên nhân có khả năng xảy ra, hay còn gọi là giả thuyết; trong trường hợp thứ hai, chúng ta đã phổ quát hoá loại mà các dữ kiện ấy phụ thuộc vào; và từ đó hình thành một sự khái quát.

Ta phải nhớ rằng khi hình thành một giả thuyết, trước tiên chúng ta phải quan sát hiện tượng; sau đó giả định rằng hiện tượng này được gây ra bởi một nguyên nhân nào đó; cuối cùng, sử dụng kinh nghiệm và các quy luật về xác suất (probability), chúng ta phỏng định bản chất của nguyên nhân chưa biết này. Để đạt đến một giả thuyết, chúng ta sẽ đi từ cái đã biết đến cái chưa biết. Bất cứ lúc nào chúng ta dùng đối tượng đã biết để ước đoán về đối tượng chưa biết, hoặc dùng những sự kiện đã có như là một yếu tố căn bản cho cái có thể xảy ra, thì lúc ấy chúng ta đã “nhảy” từ sự thật đến một giả định. Đôi khi, “bước nhảy” cần thiết này là một hành vi “phỏng đoán”; khi khác, nếu nó tuân thủ một số phép thử bằng phương pháp quy nạp có giá trị, thì nó trở thành một cái gì đó đáng giá hơn sự “phỏng đoán”, nhưng vẫn là một “bước nhảy quy nạp” đầy rủi ro.

Trong một loại suy luận quy nạp khác, quy nạp khái quát, chúng ta biết rằng dữ kiện giới hạn về một số thành phần cùng một loại được mở rộng để áp dụng cho toàn bộ các thành phần của loại đó. Những đặc tính có mặt trong một vài trường hợp được công nhận có mặt trong tất cả các trường hợp còn lại; do đó, thuộc tính riêng của loại sẽ được áp dụng cho tất cả các thành phần chưa biết của loại. Đây là sự suy luận từ một số đến cái toàn thể, mà một suy luận quy nạp khái quát đã thực hiện. Ví dụ nổi tiếng của T. H. Huxley về một người đã lần lượt cắn ba trái táo xanh và thấy rằng cả ba đều có vị chua, thế là anh ta kết luận tất cả những trái táo xanh đều chua là một ví dụ về lối suy luận quy nạp khái quát rất thường được dùng trong đời sống hàng ngày.

Mặc dù phần lớn sự hiểu biết của con người là kết quả của quá trình tích trữ các kết luận xuất phát từ lối suy luận quy nạp khái quát, nhưng chính bước nhảy quy nạp, hành vi thiết yếu trong việc thực hiện một suy luận quy nạp khái quát, đôi khi làm cho chúng ta rơi vào nhiều sai lầm trong tư duy. Chỉ một giả thuyết sụp đổ, tức thì toàn bộ sự suy luận sẽ sụp đổ. Suy luận quy nạp khái quát sai thường được gọi là suy luận quy nạp khái quát khinh suất (Hasty Generalization); nó có nguyên nhân bởi việc phổ quát hoá từ một số ít trường hợp hoặc quy kết đặc tính cá biệt của một vài sự vật cho các sự vật tương tự khác. Một người mua chiếc xe Powhatan và phát hiện bộ chế hoà khí của chiếc xe ấy bị hỏng, sau đó, anh ta tuyên bố rằng tất cả xe Powhatan đều không dùng được; trong trường hợp như thế, người đàn ông đã mắc vào lối suy luận quy nạp khái quát khinh suất. Một ví dụ khác, chị nọ thuê một đầu bếp người Mễ-tây-cơ, nhưng sau một thời gian, chị phát giác gã đầu bếp ấy là kẻ trộm chuyên nghiệp; nếu chị quy chụp mọi người Mễ-tây-cơ đều thuộc phường đạo chích, thì có nghĩa chị đang khái quát hoá vấn đề một cách sai lầm. Khuynh hướng thổi phồng sự việc của con người thường dẫn đến lối suy luận quy nạp khái quát khinh suất.

Điều gì tạo nên chứng cứ xác đáng để làm nền tảng cho một suy luận quy nạp khái quát có giá trị? Nếu chỉ một chiếc Powhatan vẫn chưa đủ, vậy thì mười chiếc có đủ không? Hoặc năm mươi chiếc? Một ngàn chiếc? Bao nhiêu trái táo xanh mà anh nọ cần phải ăn trước khi có thể kết luận mọi trái táo xanh đều chua? Rõ ràng là, càng có nhiều ví dụ minh hoạ cho sự việc mà ta đang suy luận, thì sự suy luận ấy càng trở nên xác thực hơn. Nhưng nếu như có sáu triệu trái táo xanh có vị chua, và chỉ một trái không chua, thì chúng ta không thể khái quát hoá rằng tất cả các trái táo xanh đều chua; khi đó chúng ta chỉ có thể nói “hầu hết”, “phần nhiều” hoặc “một số” trái táo xanh có vị chua. Chúng ta có thể khái quát hoá thuộc tính của mọi thành phần trong cùng một loại, nhưng không bao giờ có thể quả quyết rằng sự khái quát hoá ấy luôn đúng trong mọi trường hợp.

Bởi vì sự khái quát hoá, về bản chất, chỉ là sự khẳng định hơn là sự thật. Khi đọc hoặc khi thực hiện các suy luận quy nạp khái quát, nếu là kẻ khôn ngoan, chúng ta cần phải đánh giá các suy luận ấy dựa trên số lượng thành phần mẫu mà chúng dựa vào. Công trình nghiên cứu nổi tiếng về Hành vi tình dục của nam giới (Sexual Behaviour in the Human Male) đã đưa ra nhiều lời khẳng định và các biểu đồ bách phân để minh chứng cho một số “sự thật” về toàn bộ nam giới, nhưng cuộc nghiên cứu thực ra chỉ dựa trên kết quả điều tra được thực hiện với khoảng hơn 5.000 người, đa phần là các sinh viên đại học có quê quán ở Ohio, Indiana và Illinois. Có lẽ số lượng mẫu như vậy cũng đủ rộng để đưa ra một kết luận chính xác; chắc chắn số lượng mẫu ấy lớn hơn so với các số lượng mẫu trong các cuộc trưng cầu ý kiến công chúng trên báo chí. Nhiều suy luận nghe rất kêu sẽ trở nên lố bịch, khi số lượng mẫu bị đưa về một con số cụ thể. So sánh “Theo các chuyên gia y tế, thuốc nhỏ mắt Goddgard là loại thuốc được tin dùng” và “Mười bác sĩ mà chúng tôi hỏi chuyện đều thích dùng thuốc nhỏ mắt Goddgard, nhưng có năm bác sĩ không thích” sẽ cho ta thấy rõ nguyên nhân gây ra sự lố bịch vừa nêu. Không bao giờ chấp nhận hoặc sử dụng những cụm từ mơ hồ như “Các con số thông kê cho chúng ta biết...” để thay thế dữ kiện củng cố cho tính xác thực của suy luận.

Bạn luôn đúng khi cho rằng các suy luận quy nạp khái quát có phần nào đó không khả tín. Đồng thời, suy luận khái quát cũng hoàn toàn đúng một khi chúng dựa vào số lượng lớn chứng cứ xác thực và không có một chứng cứ nào cho thấy điều ngược lại. Mọi người đều phải chết. Cà chua thì ăn được. Khủng long đã tuyệt chủng. Bất cứ sự kiện nào trong các sự kiện này cũng có thể trở thành một suy luận sai lầm nếu như có sự xuất hiện của một người bất tử, một trái cà chua có độc tố chết người, hoặc một con khủng long còn sống. Khi dùng phương pháp suy luận quy nạp, giữ cho suy luận của chúng ta có thể đúng trong một phạm vi rộng là một trong những việc làm khó khăn.

Có lẽ, cách tốt nhất để hiểu loại của suy luận khái quát là phải xem xét cách thức chúng khởi nguồn từ sự phân loại. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ sơ đồ phân loại loài rái mỏ vịt? Nó được thể hiện như sau:

Quan sát sơ đồ phân loại trên, ta có thể có một số suy luận như sau:



Tất cả các động vật đơn huyệt đều là động vật có vú.
Tất cả rái mỏ vịt đều là động vật có xương sống.
Không có con chim nào là động vật bò sát.
Không có động vật biển có vú nào là cá.
Một số động vật có xương sống là cá.
Một số động vật có vú là rái mỏ vịt.
Một số động vật có xương sống không phải là động vật có vú.
Một số động vật có vú không là động vật cùng họ với người.

Rõ ràng, khi khái quát hoá sự vật dựa theo mối quan hệ hạng loại giữa chúng với nhau, chúng ta có thể tạo ra các kiểu suy luận sau đây:
Tất cả ................ là ................ (Suy luận khẳng định tuyệt đối)
Không ............... là ................ (Suy luận phủ định tuyệt đối)
Một số ............... là ................. (Suy luận khẳng định giới hạn)
Một số ............... không là ...... (Suy luận phủ định giới hạn)

Ngay cả trong những câu suy luận như “Gấu ngủ vào mùa đông” hoặc “Một ít chuột chũi có lông màu nâu” vẫn có thể được phát biểu theo những kiểu suy luận nêu trên: “Tất cả gấu đều là sinh vật ngủ đông” hoặc “Một số chuột chũi là những con vật có lông màu nâu.”

Mọi suy luận khái quát hoá đề cập đến một nhóm trọn vẹn các sự vật, hoặc một phần của nhóm. Nếu một suy luận đúng hoặc không đúng đối với toàn bộ một nhóm, thì suy luận đó là một suy luận tuyệt đối. Suy luận như vậy có thể áp dụng cho mọi thành phần của nhóm; cho nên, người ta nói rằng nhóm đó đã được phân loại. Trong suy luận khẳng định tuyệt đối, chẳng hạn như:

Mọi sư tử đều là động vật hung dữ

Chúng ta chỉ đề cập đến loại của sư tử với một ngoại diên đầy đủ, chứ chúng ta không xem loại của động vật hung dữ như là một loại với ngoại diên đầy đủ, bởi vì có thể có những động vật hung dữ không phải là sư tử. Chúng ta biểu thị loại với ngoại diên đầy đủ bằng chữ in nghiêng nơi sự vật được phân loại.

Trong suy luận phủ định tuyệt đối, luôn có hai sự vật được phân loại với ngoại diên đầy đủ:

Không có sư tử nào là động vật hung dữ
Động vật hung dữ không là sư tử

Trong hai suy luận trên, toàn bộ hai loại (sư tử và động vật hung dữ) hoàn toàn loại trừ lẫn nhau; vì thế, chúng ta đề cập đến chúng như là những loại với ngoại diên đầy đủ.

Trong trường hợp các suy luận giới hạn, từ “một số” cho thấy rằng chỉ một thành phần nào đó thuộc tổng thể được đề cập tới, và chúng ta có thể nhận thấy, trong một suy luận khẳng định giới hạn, loại thứ hai cũng không được xem như một loại với ngoại diên đầy đủ.

Một số sư tử là động vật hung dữ

Suy luận này tương đương với:

Một số động vật hung dữ là sư tử

Và mặc dù các phần tử của hai loại này trùng khớp với nhau, nhưng không có loại nào được xem là loại với ngoại diên đầy đủ.

Mọi chuyện diễn ra tương tự đối với suy luận phủ định giới hạn, loại suy luận thường gây bối rối cho chúng ta. Trong suy luận phủ định giới hạn như:

Một số sư tử không là động vật hung dữ

Rõ ràng là chúng ta không nói đến toàn bộ sư tử, vì đã giới hạn chúng bằng từ “một số”. Tuy nhiên, chúng ta đề cập đến động vật hung dữ như là một tổng thể, một loại với ngoại diên đầy đủ, bởi vì suy luận phát biểu rằng loại động vật hung dữ này đã loại trừ một bộ phận của loại sư tử. Nếu đảo ngược suy luận trên, ta có:

Không động vật hung dữ nào là [thuộc về nhóm] một số sư tử [đó]

Cho nên, trong một suy luận phủ định giới hạn, loại đầu tiên (hay chủ ngữ) không bao giờ có ngoại diên đầy đủ, nhưng loại thứ hai (hay vị ngữ) luôn được có ngoại diên đầy đủ.

Nếu lúng túng trong việc phân biệt loại nào được xem là có ngoại diên đầy đủ, hãy ghi nhớ bảng tóm tắt sau đây:

Tất cả bé trai là con người. (Một số con người là bé trai) (suy luận khẳng định tuyệt đối)
Không bé trai nào là bé gái (Không bé gái nào là bé trai) (suy luận phủ định tuyệt đối)
Một số bé trai là học trò giỏi (Không phải học trò giỏi nào cũng là bé trai) (suy luận khẳng định giới hạn)
Một số bé trai không là học trò giỏi (Không học trò giỏi nào là [thuộc về nhóm] một số bé trai [đó])

Những từ in nghiêng được xem như là loại với ngoại diên đầy đủ.

Câu trong ngoặc đơn giải thích tại sao chủ ngữ và vị ngữ trong câu suy luận được xem, hay không được xem, là một loại với ngoại diên đầy đủ.

Khi thừa nhận một số suy luận khái quát hoá nào đó là sự thật, chúng ta phải chắc chắn rằng suy luận ấy được hình thành hợp lệ và được phát biểu chính xác. Nếu không, khi áp dụng chúng vào các trường hợp thực tế, chúng ta sẽ mắc phải những lầm lỗi nghiêm trọng. Nếu nghĩ rằng tất cả người Ý có năng khiếu về âm nhạc, hoặc mọi con chó đều thân thiện, thì chúng ta có thể tự làm cho mình khốn đốn vì phải nghe một buổi hoà nhạc được trình diễn bởi một người Ý “điếc nhạc” nào đó, hoặc bị tiêm vài mũi thuốc ngừa bệnh dại. Nếu chúng ta quen biết một số người Ý không có khiếu âm nhạc, hoặc nghĩ rằng phần đông các chú chó đều thân thiện, vậy thì hãy phát biểu quan điểm ấy bằng một suy luận giới hạn. Cho dù ta có nói “chỉ một vài” “phần nhiều” “hầu như là tất cả” hay “99.99 phần trăm”, thì câu nói ấy vẫn chỉ là một suy luận khẳng định giới hạn hoặc suy luận phủ định giới hạn. Chúng ta nên dùng lối suy luận quy nạp khái quát hoá tuỳ theo hiệu quả của mỗi loại suy luận.


Suy luận diễn dịch

Nếu con người chỉ quan sát sự vật, đưa ra giả thuyết hoặc khái quát hoá chúng để cất giữ vào đầu các ý tưởng thu được từ các hành vi ấy và không bao giờ tái sử dụng chúng, thì chúng ta sẽ chẳng phải ưu tư về việc liệu phương pháp suy luận quy nạp có giá trị hay không. Nhưng mỗi chúng ta đều không ngừng dùng các “sự thật” rút ra từ suy luận quy nạp để làm xuất phát điểm cho một tiến trình tư duy khác. Tiến trình này gọi là suy luận diễn dịch (deduction), có nguồn gốc từ chữ de và duco trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “suy ra từ...” Suy luận diễn dịch là sự áp dụng một suy luận khái quát hoá cho một trường hợp riêng biệt, rồi từ đó đi đến một kết luận.

Chúng ta dùng suy luận diễn dịch khi nào chúng ta gặp một trường hợp hơi khác với, tuy nhiên vẫn giống, những trường hợp mà ta từng gặp phải trước đó. Khi đứng trước một cánh cửa lạ, tự nhiên chúng ta tìm kiếm tay nắm để mở cửa, bởi vì kinh nghiệm trước đây đã gieo vào đầu chúng ta một suy luận khái quát hoá rằng: mở cửa bằng cách vặn tay nắm. “Ấn tượng đầu tiên” của chúng ta về người mới quen phần nào được định đoạt bởi sự suy luận diễn dịch. Ta cố đặt anh ta trong một loại các cá tính quen thuộc; từ đó, ta xếp loại anh ta và gán các đặc tính của loại ấy cho anh ta. Chúng ta gặp một người bán bảo hiểm; tất cả những người bán bảo hiểm đều hoạt bát, vậy thì người bán bảo hiểm này cũng hoạt bát. Suy luận diễn dịch là phương pháp cốt lõi của văn nghị luận, và không thể nào hiểu được một bài nghị luận, trong đó suy luận diễn dịch không giữ vai trò thiết yếu.

Tam đoạn luận, quá trình suy luận thông qua ba mệnh đề, là loại suy luận diễn dịch mang tính hình thức và hoàn hảo nhất. Ba mệnh đề gồm có:
• Đại tiền đề: khẳng định một suy luận khái quát hoá về mọi thành phần của loại.
• Tiểu tiền đề: xác định một đối tượng cụ thể như là một thành phần của loại được đề cập đến trong đại tiền đề.
• Kết luận: áp dụng các đặc điểm của hạng loại cho đối tượng cụ thể trong tiền đề phụ.
Ví dụ:
Mọi người đều phải chết (Đại tiền đề)
Vua nước Ethiopia là con người (Tiểu tiền đề)
Vua nước Ethiopia cũng sẽ chết (Kết luận)

Trong ba mệnh đề trên, một đối tượng cụ thể (nhà vua) được liên kết với một loại (người); loại này có một đặc điểm chung (chết). Giá trị của suy luận diễn dịch tuỳ thuộc vào:
1. sự đúng hay sai của mỗi trong số ba mệnh đề, và
2. cách thức các mệnh đề này tương tác với nhau.
Để kiểm tra giá trị của một tam đoạn luận, chúng ta nên viết lại để tam đoạn luận ấy được rõ nghĩa hơn. Chẳng hạn, ví dụ trên có thể được viết lại như sau:
Mọi người đều là những sinh vật sẽ bị chết (Đại tiền đề)
Vua nước Ethiopia là người (Tiểu tiền đề)
Vua nước Ethiopia là sinh vật sẽ bị chết (Kết luận)

Chữ in nghiêng dùng để chỉ loại với ngoại diên đầy đủ trong mỗi mệnh đề. Xin lưu ý rằng hạn từ thứ nhất (Chủ từ) trong tiểu tiền đề là một hạn từ khẳng định. Vua là một cá nhân, tạo nên toàn bộ loại – chỉ có một vua nước Ethiopia – cho nên ông ta có tính chất sui generis, đơn nhất. Bất cứ mệnh đề nào chứa đựng một loại đơn nhất, thì nhất thiết đó là mệnh đề tuyệt đối.

Sau đây là cách kiểm tra giá trị của một tam đoạn luận:

Tam đoạn luận phải bao gồm ba mệnh đề, mỗi mệnh đề phải có hai hạn từ.

Một hạn từ, và chỉ một mà thôi, phải xuất hiện trong cả hai đại tiền đề và tiểu tiền đề. Nó phải là loại có ngoại diên đầy đủ ít nhất một lần.

Trong toàn bộ tam đoạn luận, phải có tổng cộng ba hạn từ được sử dụng. Mỗi hạn từ xuất hiện hai lần, mỗi lần xuất hiện tại một trong bất cứ hai mệnh đề nào của ba mệnh đề.

Không được có hạn từ nào có ngoại diên đầy đủ trong mệnh đề kết luận, mà lại không có ngoại diên đầy đủ tại một trong hai tiền đề.

Không thể có cùng lúc hai tiền đề phủ định. Từ hai tiền đề phủ định, ta không thể rút ra được một kết luận nào. Hai tiền đề phủ định không thể có tương quan logic với nhau.

Áp dụng các phép kiểm tra này, chúng ta sẽ nhận thấy rằng tam đoạn luận về sự chết của vua nước Ethiopia là một tam đoạn luận hợp lệ; nó không vi phạm bất cứ các quy tắc căn bản nào của lối suy luận diễn dịch. Nó có tổng cộng ba hạn từ; cả hai tiền đề đều là những mệnh đề khẳng định; hạn từ chung (trung từ) cho cả hai tiền đề có được ngoại diên đầy đủ trong đại tiền đề; và hạn từ duy nhất được phân loại với ngoại diên đầy đủ trong mệnh đề kết luận (vua nước Ethiopia) đã được phân loại với ngoại diên đầy đủ trong tiểu tiền đề. Như vậy, trong tam đoạn luận hợp lệ này, nếu mỗi tiền đề đều đúng, thì ta có kết luận đúng.

Đến đây, chúng ta thử khảo sát về loại tam đoạn luận lựa chọn (disjunctve syllogism). Câu nói lựa chọn là dạng câu chứa hai ý tưởng đối chọi nhau, được gắn kết bằng mối quan hệ “hoặc cái này, hoặc cái kia”. Nếu một câu nói lựa chọn được dùng làm đại tiền đề cho một tam đoạn luận, thì một trong hai sự lựa chọn phải bị phủ định trong tiểu tiền đề, và sự lựa chọn còn lại được xem là kết luận. Ví dụ:

Hoặc anh ta chết, hoặc anh ta từ bỏ việc đóng phim
Anh ta không từ bỏ việc đóng phim
Vậy anh ta phải chết

Trái lại, nếu hai sự việc chọn lựa nằm trong đại tiền đề, sau đó một trong hai sự chọn lựa ấy được khẳng định trong tiểu tiền đề, thì tam đoạn luận ấy là một ngụy tam đoạn luận lựa chọn. Tiểu tiền đề trong một tam đoạn luận lựa chọn lúc nào cũng phải phủ định – không được khẳng định – một trong hai sự chọn lựa.

Suy luận diễn dịch không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng kiểm tra bằng hình thức tam đoạn luận. Lắm khi, người ta lược bỏ một trong ba mệnh đề của một tam đoạn luận, và khi đó, ta có tam đoạn luận tỉnh lược (enthymeme). Sau đây là một số ví dụ:

(1) Cô ta chắn chắn là một kẻ thạo đời; cô ta sống ở Nữu Ước.

(2) Sinh viên không chịu học hành thì mới thi rớt, và bạn đã không học hành.

(3) Những người ốm yếu thường hay lo lắng, như vậy hắn lo lắng là lẽ tất nhiên.

(4) Chắn chắn Nehru là người theo chủ nghĩa hoà bình. Ông là người Ấn Độ phải không?

Mỗi trong các suy luận diễn dịch trên đều bị lược bỏ một mệnh đề quan trọng:

(1): Tất cả những người sống ở Nữu Ước đều thạo đời. (Đại tiền đề)

(2): Cho nên bạn đã thi rớt. (Kết luận)

(3): Hắn là một kẻ ốm yếu (Tiểu tiền đề)

(4): Mọi người Ấn Độ đều theo chủ nghĩa hoà bình (Đại tiền đề)

Trong logic học, người ta thường gọi một tam đoạn luận tỉnh lược là tam đoạn luận “hàm hỗn” (non-sequitur) khi nó chỉ dựa trên một đại tiền đề giả định sai lạc. Thoạt nhìn, tam đoạn luận “hàm hỗn” trông giống như một sự ngụy trá về quan hệ nhân quả (post hoc fallacy); tuy nhiên, trong sự ngụy trá về quan hệ nhân quả, luôn có hai sự kiện được minh thị thể hiện tương tác lẫn nhau, trong khi tam đoạn luận hàm hỗn áp dụng một suy luận được hiểu ngầm cho một sự kiện cụ thể. Nó thường dùng các từ chỉ nguyên nhân như “bởi vì,” “lý do là” nhằm che mờ sự nhận thức của chúng ta.

Gặp những tam đoạn luận tỉnh lược “hàm hỗn” sử dụng các từ chỉ nguyên nhân như thế, chúng ta nên viết lại chúng bằng cách khôi phục đại tiền đề được hiểu ngầm. Khi đó, sự vô lý của chúng sẽ được phơi bày một cách rõ ràng. Hãy khảo sát các thí dụ sau:

(1) Dũng sẽ chẳng bao giờ cưới vợ, bởi vì anh ta quá chất phác.

(2) Loan phải có việc làm trong bộ ngoại giao, bởi vì cô biết tiếng Phạn.

(3) Cố nhiên Vermeer là một hoạ sĩ lớn. Ông ấy đã sống tại Hà Lan vào thế kỷ mười bảy.

Dưới đây là các đại tiền đề hiểu ngầm được khôi phục:

(1) Người chất phác không bao giờ cưới vợ.

(2) Người biết tiếng Phạn phải có việc làm trong bộ ngoại giao.

(3) Tất cả những ai sống tại Hà Lan vào thế kỷ mười bảy đều là hoạ sĩ lớn.

Dĩ nhiên, không phải mọi tam đoạn luận tỉnh lược đều sai. Sau đây là một số ví dụ về các tam đoạn luận tỉnh lược đúng và hợp lệ:

(1) Vì là con người, nên Aristotle đôi khi cũng phải nhầm lẫn.

(2) Rõ ràng là hoàng yến đẻ trứng, vậy chúng là chim.

Khi chúng ta dùng phương pháp suy luận diễn dịch – cho dù dưới hình thức tam đoạn luận đầy đủ, tam đoạn luận tỉnh lược hay tam đoạn luận lựa chọn – để suy nghĩ hoặc viết lách, hãy nhớ rằng không chỉ hình thức suy luận của chúng ta phải hợp lệ, mà nội dung suy luận cũng phải chân thực nữa, thì điều ta viết hay suy nghĩ mới có giá trị.


Suy luận giản lược

Mặc dầu từ “giản lược” không phải là một từ được thừa nhận rộng rãi như “qui nạp” và “diễn dịch”, nhưng nó là từ ngữ đắc dụng để gọi tên cách suy luận thứ ba mà chúng ta thường dùng để tạo ra các suy luận bằng ngôn từ của mình. Suy luận giản lược là lối suy luận giản dị hoá vì lợi ích của sự nhận thức ban đầu. Đây là phương pháp nhận thức mà Thomas Mann thuyết phục chúng ta áp dụng như là một bước đi đầu tiên để đạt được sự thấu hiểu một sự vật chưa biết.

Sự giản lược hoá dữ kiện được thực hiện bằng một trong hai cách:
1. Chỉ những thông tin nổi bật về đối tượng mới được xử lý, thông tin ít nổi bật hơn hoặc đã hiểu thì được đặt vào một địa vị không quan trọng.
2. Dữ kiện hoặc mối tương quan được hiểu dưới một hình thức khác, tức là bằng một dữ kiện hoặc mối tương quan có tính chất hiển nhiên và xác thực hơn.
Khó khăn chính yếu trong phương pháp suy luận giản lược là nó thường dẫn đến khuynh hướng giản đơn hoá vấn đề một cách thái quá. Khi đó, bản chất cố hữu của đối tượng sẽ bị sai lạc và méo mó. Hành vi này là một dạng “giản đơn hoá một cách ngây ngô” (reductio ad absurdum), một thuật ngữ logic học dùng để bác bỏ một lập luận bằng cách chứng tỏ kết luận của nó chỉ là một giả định. Tuy nhiên, ta dùng thuật ngữ này theo nghĩa đen để chỉ một người, khi giản đơn hoá các ý niệm một cách thái quá, có thể không nhận ra sự lố bịch trong các phán đoán của mình, và tự bác bỏ lập luận của chính mình bằng cách biến chúng thành những điều suy diễn hẹp hòi. Sự giản đơn hoá một cách thái quá thường quyết định bỏ qua một số dữ kiện nhằm hình thành một quan điểm nào đó, hoặc từ chối thú nhận rằng một sự đánh đồng toàn diện không thể nào tồn tại đối với hai trường hợp riêng biệt.

Suy luận giản lược hoàn toàn có thể là lối suy luận có thể chấp nhận trong bước đầu tìm hiểu đề tài; tuy nhiên, nhiều lãnh vực trong cuộc sống vốn phức tạp và không thích hợp khi áp dụng cách suy luận này. Vật lý, toán học, triết học, sử học không bao giờ là đề tài giản đơn. Một khi ta cố tìm hiểu hoặc lý giải tình cảm và hoạt động của con người, thì hết sức nguy hiểm khi giả định rằng dữ kiện này không thích hợp hoặc mối tương quan kia có thể giản đơn hoá một cách dễ dàng. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta luôn bám vào các lý giải được giản đơn hoá mà chúng ta đã học thuở ấu thơ để suy nghĩ và phát biểu quan điểm của mình. Trong văn hùng biện, các ý tưởng thường được viết dưới hình thức các lời cả quyết mang tính chất giản đơn hoá rất đáng hồ nghi.

Cho dù lời khẳng định có là một câu phát ngôn về nguyên nhân hay bổn phận, hoặc nhằm đánh giá hay khái quát hoá sự vật, thì nó đều dựa vào sự giản đơn hoá một cách thái quá. Hãy nghiên cứu thí dụ sau đây:

“Chặn đứng tình trạng phạm pháp nơi thanh thiếu niên ư? Quá dễ. Chúng ta chỉ việc ném một thằng trong đám lưu manh đó vào tù là chúng sẽ sáng mắt ngay.”

“Nghiện rượu chỉ đơn thuần là sự tự chiều chuộng bản thân. Kẻ nghiện rượu là người không rèn luyện tính tự chế.”

“Tại sao lại phải nói nhiều tại cuộc hội đàm với các phái đoàn ngoại quốc? Chúng ta nên ra tay trước, ném bom xuống Moskva và tất cả các nước cộng sản còn lại. Rốt cuộc là chúng hay ta, ai làm trước, phải thế không?”

“Một khi sự phân biệt giai cấp được xoá bỏ, thì mọi người sẽ chung sống trong hòa bình và ai cũng có hàng hoá đủ để đáp ứng nhu cầu của mình.”

Mỗi trong số các câu trên đều được tuyên bố như là một lời khẳng định một sự thật. Mỗi câu đều phớt lờ một mối tương quan phức tạp hoặc các dữ kiện cốt lõi nào đó. Tất cả đều là lối lập luận đơn giản hoá một cách thái quá với một mức độ nguy hiểm. Người phát ngôn của mỗi câu nói đang giả định rằng các lãnh vực rắc rối, khó hiểu về xã hội học, tâm lý học, bang giao quốc tế và kinh tế học đều có thể biến thành cái gọi là “lẽ thường”. Đối với các vấn đề giản đơn, áp dụng “lẽ thường” có thể được xem là thích hợp; tuy nhiên, với vai trò là nền tảng để thấu hiểu một vấn đề phức tạp, ngoại trừ các sự thật hiển nhiên, thì “lẽ thường” lại quá “thường” để được ta tin cậy.

Giống như suy luận quy nạp và suy luận diễn dịch, suy luận giản lược là một phương pháp cơ bản để phát triển và áp dụng ý tưởng. Trên thực tế, trong tâm trí chúng ta, cả ba tiến trình tư duy này luôn hoà quyện vào nhau và không thể tách rời; sự trình bày ý tưởng một cách chặt chẽ và thuyết phục sẽ phản ánh sự hoà quyện này bằng một sự phối hợp các cách thức phát triển những chủ đề trọng tâm. Trong sự phân chia các loại tư duy cơ bản thành các hình thức biện luận và logic mang tính chất khiên cưỡng này, chúng ta đã phân lập (vì thế, đã giản đơn hoá) những khía cạnh khác nhau của các mối tương quan logic. Những mẩu văn minh hoạ cho các khía cạnh này chỉ thể hiện một lối tiếp cận có tính cách ưu trội nào đó. Cần nhớ rằng bất cứ nỗ lực nhằm tách riêng một đặc điểm logic nào đó hầu như chỉ là một hành động mang tính chất học thuật. Trong quá trình suy nghĩ viết lách, chúng ta luôn luôn kết hợp nhiều cách thức tư duy khác nhau để đi đến sự thật.

Nguồn: trích từ Logic and Rhetoric, James W. Johnson, Macmillan xuất bản, 1962
3 giai đoạn của con... người, ban đầu dek biết gì thì phải thăm dò, sau đó biết rồi thì phải thân thiết, sau cùng khi quá thân thiết rồi thì phải tình thương mến thương. Nhưng mà không thương được thì ...
[Up] [Print Copy]
[digg] [delicious] [google] [yahoo] [technorati] [reddit] [stumbleupon]
Go to: 
 Users currently in here 
1 Anonymous

Powered by JForum - Extended by HVAOnline
 hvaonline.net  |  hvaforum.net  |  hvazone.net  |  hvanews.net  |  vnhacker.org
1999 - 2013 © v2012|0504|218|