banner

[Rule] Rules  [Home] Main Forum  [Portal] Portal  
[Members] Member Listing  [Statistics] Statistics  [Search] Search  [Reading Room] Reading Room 
[Register] Register  
[Login] Loginhttp  | https  ]
 
Forum Index Thảo luận hệ điều hành *nix Biên dịch Linux kernel - phần 2  XML
  [Article]   Biên dịch Linux kernel - phần 2 15/06/2006 01:52:23 (+0700) | #1 | 317
[Avatar]
tranvanminh
HVA Friend

Joined: 04/06/2003 06:36:35
Messages: 516
Location: West coast
Offline
[Profile] [PM]
Biên dịch Linux kernel - phần 2
Hướng dẫn chi tiết các bước trong quá trình tái biên dịch Linux kernel cho kernel 2.4.x và 2.6.x.
Chuẩn bị mã nguồn và những điểm liên quan.
<hnd viết cho vninformatics.com>

6.3 Kiểm tra thực tính của mã nguồn
Điều quan trọng khi tải mã nguồn của kernel, nên tải gpg .sign cho phiên bản tương ứng. Mục đích là để kiểm tra thực tính của mã nguồn được tải về. Khi mã nguồn của Linux kernel được công bố, chúng được dồn lại thành một gói .tar và sau đó được nén bằng GNUzip hoặc bzip2, cả hai loại này sau khi được nén đều được tạo "chữ ký" .sign.

Kiểm tra thực tính của mã nguồn được tải về bằng phương pháp kiểm tra "chữ ký" của từng gói mã nguồn là một thói quen cần thiết. Lý do: các mã nguồn mở nói chung được công bố và phổ biến rộng rãi, ai cũng có thể chỉnh sửa (một cách không chính thức và không được nhóm phát triển chính thức cho phép) rồi đưa lên một server nào đó trên Internet. Người dùng tải về, biên dịch và cài trên máy mà không kiểm tra thực tính của chúng (và mã nguồn này có những thay đổi mờ ám) thì hậu quả khó mà lường.

Quy trình kiểm tra "chữ ký" chỉ đơn giản gói gọn trong một dòng lệnh:
$ gpg --verify linux-2.4.26.tar.bz2.sign linux-2.4.26.tar.bz2, trong đó
linux-2.4.26.tar.bz2.sign là "chữ ký" của gói linux-2.4.26.tar.bz2 được tải về từ server chứa mã nguồn Linux kernel
linux-2.4.26.tar.bz2 là gói mã nguồn Linux kernel được nén bằng bzip2

Trước khi có thể kiểm tra thành công bằng lệnh trên, bạn phải có gpg đã cài trong máy, tải và nhập public key của server chứa mã nguồn Linux kernel mà bạn tải về. Chi tiết hướng dẫn cho quy trình này ở:
http://www.kernel.org/signature.html

Quy trình tải mã nguồn Linux kernel và kiểm tra thực tính của mã nguồn này có thể tóm tắt bằng một ví dụ như sau:

# chuyển vào thư mục chứa mã nguồn của máy ở /usr/src là nơi thông thường. Đối với kernel 2.6.x series, bạn có thể dùng thư mục khác tùy ý:
cd /usr/src

# dùng wget để lấy một phiên bản mã nguồn từ server về ở dạng .bz2
wget http://www.kernel.org/pub/linux/kern...6.tar.bz2

# dùng wget để lấy .sign của phiên bản mã nguồn vừa được tải về
wget http://www.kernel.org/pub/linux/kern....bz2.sign

# Dùng gpg với option verify để kiểm thực tính của mã nguồn vừa tải về
gpg --verify linux-2.4.26.tar.bz2.sign linux-2.4.26.tar.bz2

Ngoài phương pháp dùng signature cho vấn đề kiểm chứng thực tính của mã nguồn (không chỉ mã nguồn của Linux kernel) , bạn cũng thấy rất nhiều nơi trên Internet dùng "MD5sum" cho mục đích này (cho đến nay, mã nguồn Linux kernel dùng signature để kiểm chứng, không dùng MD5sum). Quy trình kiểm tra "MD5sum" chỉ đơn giản là một quy trình tạo một "MD5sum" từ mã nguồn được tải về trên máy và so sánh kết quả "MD5sum" này với hồ sơ "MD5sum" được tải về kèm với mã nguồn. Nếu "MD5sum" bạn tạo ra trên máy của mình với cùng gói mã nguồn mà không trùng hợp với "MD5sum" nguyên thuỷ tải về từ server thì thực tính của phần mã nguồn này không đáng tin cậy. Cách tốt nhất là chỉ nên tải mã nguồn ở những địa chỉ phố biến và đáng tin cậy. Cẩn thận hơn nữa (really paranoid), thì so sánh MD5sum với một số server chứa mã nguồn khác nhau.

- Kiểm tra thực tính của mã nguồn bằng MD5 checksum khá đơn giản. Tiện ích md5sum có sẵn hần như trên mọi bản phân phối. Lệnh tạo MD5 checksum đơn giản là lệnh:
# md5sum <file_cần_kiểm_tra>

sẽ tạo ra 1 chuỗi chữ và số tương tự như: 2fe2a5fabcc3a33722b4ffe05714bec3 *<file_cần_kiểm_tra>. Nếu chuỗi này trùng với chuỗi được cung cấp chính thức với mã nguồn thì mã nguồn này có thực tính và đáng tin cậy.


6.4 Xả nén mã nguồn
Tùy vào gói mã nguồn được tải về thuộc dạng nén .gz hay .bz2 mà dùng tiện ích thích hợp để xả nén. Như đã tóm tắt trong phần 6.3 ở trên, gói mã nguồn được chứa trong /usr/src (wget được chạy sau khi cd vào /usr/src), cho nên bạn phải ở trong thư mục này trước khi thao tác các bước kế tiếp (không thì các bước kế tiếp phải thêm và đường dẫn đến nơi chứa gói mã nguồn). Đối với kernel 2.6.x series, mã nguồn của Linux kernel có thể được xả, chứa và biên dịch từ bất cứ nơi đâu mà bạn có quyền chứa trên hệ thống. Tuy nhiên, để giữ cho hệ thống sạch và thống nhất, bạn nên giữ mã nguồn ở /usr/src.

- nếu gói mã nguồn có dạng .gz thì dùng:
$ gunzip linux-2.x.xx.tar.gz (x.xx là bất cứ phiên bản nào bạn tải về).
$ tar xf linux-2.x.xx.tar (lệnh này dùng option x để extract (xả) và f để chỉ định hồ sơ nào cần được xả, ở đây hồ sơ cần được xả là linux-2.x.22.tar).

Hai lệnh trên cũng có thể gọp chung lại như sau:
$ tar xfz linux-2.x.xx.tar.gz (lệnh này dùng thêm option z để ngầm xả nén .gz file "on-the-fly" trước khi xả gói tar).

Hoặc có thể tạo cùng kết quả bằng cách khác nữa:
$ gzip -dc linux-2.x.xx.tar.gz | tar xvf - (cụm lệnh này dùng chương trình gzip để xả nén (option -d) ra stdout (option -c) và "tee" nó qua chương trình tar để xả gói tar ra "on-the-fly". Cả cách này và cách ở trên đều tiện dụng cho những ai eo hẹp dung lượng trên đĩa).


- nếu gói mã nguồn có dạng .bz2 thì dùng:
$ bunzip2 linux-2.x.xx.tar.bz2
$ tar xf linux-2.x.xx.tar


Hai lệnh trên cũng có thể gọp chung lại như sau:
$ tar xfj linux-2.x.xx.tar.bz2 (lệnh này dùng thêm option j để ngầm xả nén .bz2 file "on-the-fly" trước khi xả gói tar).

Hoặc có thể tạo cùng kết quả bằng cách khác nữa:
$ bzip2 -dc linux-2.x.xx.tar.bz2 | tar xvf - (cụm lệnh này dùng chương trình bzip2 để xả nén (option -d) ra stdout (option -c) và "tee" nó qua chương trình tar để xả gói tar ra "on-the-fly". Cả cách này và cách ở trên đều tiện dụng cho những ai eo hẹp dung lượng trên đĩa).

Cả ba trường hợp đều cho kết quả là một thư mục có tên là linux-2.x.xx bên trong thư mục /usr/src/

Trong phần này, chúng ta chỉ đề cập đến trường hợp tải trọn bộ mã nguồn của Linux kernel về để biên dịch. Trường hợp đã có mã nguồn cũ hơn của Linux kernel trên máy và chỉ cần tải patch và "vá" thì có quy trình khác. Vấn đề này sẽ đề cập sau.


6.5 Dùng "config" nào thì thích hợp?

Cấu hình biên dịch nhân Linux đơn giản là một "text file" chứa các biến với giá trị Y (Yes), N (No) hoặc M (Module). Các giá trị này được xử dụng trong quá trình biên dịch; chúng dùng để xác định những gì không được biên dịch, những gì được biên dịch và nếu được biên dịch thì sẽ theo dạng nào.

Tùy vào cách sắp xếp của mỗi Linux bản phân phối, cấu hình biên dịch nhân Linux nằm nhiều nơi khác nhau. Hồ sơ cấu hình theo mặc định của "vanilla" kernel nằm ở ./arch/i386/defconfig (nếu dùng dòng phần cứng IA32 nói chung), các hồ sơ cấu hình khác cho những dòng phần cứng khác nằm ở ./arch/$ARCH/defconfig; trong đó $ARCH là dòng phần cứng của máy. Nếu dùng cấu hình mặc định, không chỉnh sửa thì kernel sẽ được tái biên dịch trọn bộ theo giá trị mặc định và chắc hẳn, kernel này sẽ không thích hợp cho bạn (ngay cả nếu nó được biên dịch thành công). Điều này đi ngược lại mục đích cần tái biên dịch Linux kernel ngay từ đầu. Bạn có thể dùng hồ sơ cấu hình này để khởi đầu và chỉnh sửa giá trị cho thích hợp. Đây là một bước rất khó khăn cho những ai chưa từng đi qua giai đoạn này và không có sẵn một cấu hình biên dịch nhân hoàn chỉnh cho máy.

Cấu hình cho kernel hiện hữu trên máy cũng có thể nằm trong thư mục /boot ở dạng config-2.x.xx nếu bạn dùng kernel do RedHat (hoặc dựa RedHat) và một số bản phân phối khác cung cấp. Bạn có thể an toàn dùng cấu hình này và chỉnh sửa, loại bỏ các chi tiết (driver module) không cần dùng. Nếu hệ thống đã được biên dịch kernel trước đây, bạn có thể tìm thấy cấu hình biên dịch nhân Linux có tên là .config, được lưu trong thư mục <KERNEL_SRC> (nơi trước đây mã nguồn của kernel được xả nén và biên dịch).


7. Chỉnh cấu hình biên dịch nhân Linux

7.1 Thành phần của cấu hình biên dịch nhân Linux
Thành phần trong cấu hình biên dịch nhân Linux cho kernel 2.4.x và 2.6.x có một số tương đồng và dị biệt. Tuy nhiên, quy trình chọn Y, N hoặc M cho các modules vẫn như nhau. Bước chọn lựa và chỉnh liệu cấu hình biên dịch nhân Linux là một bước mất nhiều thời gian nhất, nó cũng là một bước gây nhiều trở ngại nhất nếu chỉnh sửa không hợp lý hoặc thiếu sót.

7.1.1 Thành phần cấu hình biên dịch nhân Linux thuộc kernel 2.4.x series

code Maturity Level Options
Chọn lựa của mục này cho phép dùng các modules / drivers còn ở trạng thái "alpha" (thử nghiệm). Nếu hệ thống làm việc là một máy production, cần tính ổn định cao thì nên tắt bỏ chọn lựa của phần này. Làm như thế sẽ tắt bỏ rất nhiều modules / drivers thuộc dạng "alpha" trong những phần bên dưới. Nếu muốn thử dùng một số modules / drivers ở dạng alpha thì nên cho phép phần này (Y) và cẩn thận khi lựa chọn các modules được biên dịch sau này. Việc chọn lựa các "alpha" drivers ở chế độ mặc định của các kernel trong nhiều bản phân bố Linux là một trong những nguyên nhân chính tạo nên tình trạng bất ổn định trên một số hệ thống Linux. Nếu chọn lựa các driver này một cách cẩn thận, cơ hội va phải tình trạng bất ổn định sẽ giảm thiểu rõ rệt.

Loadable Module Support
Đây là chức năng nòng cốt của Linux kernel (loadable module). Như đã đề cập ở phần tổng quan (phần 1), loadable modules tiện dụng và linh động, cho nên bạn gần như sẽ chọn Y trong trường hợp này. Trong trường hợp bạn cần dùng kernel modules được viết thêm bên ngoài kernel tree chính thức (3rd party modules), bạn phải chọn "enable set version information on all modules symbols" trong mục này. Nếu bạn cần biên dịch trọn bộ các drivers thẳng vào kernel và không dùng modules (vì lý do bảo mật chẳng hạn), bạn có thể chọn N ở đây. Bạn cũng phải chọn "Y" cho trọn bộ các drivers trong cấu hình biên dịch nhân để thích hợp với chọn lựa "N" cho phần Loadable Module Support này.

Processor Type and Features
Phần này có lẽ là phần tối quan trọng trong cấu hình biên dịch nhân Linux. Đây là nơi để chọn đúng CPU đang dùng trên máy. Ngoài ra còn rất nhiều chọn lựa khác nhau cho vấn đền system scheduling, SMP (symetrical multi-processing) nếu máy có nhiều CPU, hỗ trợ số lượng lớn memory có trong máy.... Nếu bạn chon CPU là i386 thì có lẽ sẽ không có sự cố vì i386 là architecture chung nhất (cả Intel và AMD CPU đều chạy với chọn lựa i386). Tuy nhiên, chọn lựa này sẽ không đạt hiệu năng tối đa và thích hợp cho từng loại CPU cụ thể. Nên chọn đúng CPU để bảo đảm hiệu năng của máy và nhất là để tránh trường hợp không thể boot vào Linux sau khi cài kernel mới (vì loại CPU chỉnh định cho kernel không đúng với CPU có trên máy hay nói một cách kỹ thuật, instructions giữa kernel và máy không tương đồng).

General Setup
Mục này cho phép chọn lựa các ứng dụng hỗ trợ cho những thiết bị (cards) trên máy như ISA, PCI, PCMCIA và các chức năng thuộc về vấn đề quản trị năng lượng nâng cấp (Advanced Power Management).

Memory Technology Devices
Phần này cho phép lựa chọn những ứng dụng thiết bị liên hệ đến memory. Nếu bạn dùng các thiết bị như digital camera hoặc các loại compact flash thì bạn nên chỉnh lý phần này cho thích hợp.

Block Devices
Đây là một phần rất quan trọng trong cấu hình biên dịch nhân Linux. Nó bao gồm các chọn lựa cho những thiết bị thông thường và cần thiết như đĩa cứng, đĩa mềm, băng lưu trữ cũng như các thiết bị điều tác (controllers) cho parallel ports và RAID. Hầu như các chọn lựa trong mục này đều cần thiết; đặc biệt là chức năng hỗ trợ initrd cần thiết để tải sẵn các drivers cần thiết ở dạng module trong quá trình boot máy.

Multi-Device support (RAID and LVM)
Phần này chuyên chú đến các chức năng cần thiết cho hệ thống ở cấp độ server. Các chọn lựa ở đây hỗ trợ những thiết bị như RAID và LVM. Nếu máy của bạn hiện đang dùng RAID và LVM thì không thể bỏ qua phần này trong quá trình xác lập cấu hình biên dịch nhân Linux. Chọn lựa trong phần này đòi hỏi phải hiểu rõ nhu cầu dùng những công nghệ thuộc dạng này trên máy. Nếu máy không dùng đến những công nghệ này, bạn có thể an toàn tắt bỏ chúng (dùng N). Nên nhớ, nếu tắt bỏ RAID trong phần này thì phải tắt bỏ chọn lựa RAID trong phần "block devices" ở trên để tránh gặp phải lỗi biên dịch sau này.

ATA/IDE/MFM/RLL support
Phần này bao gồm các chọn lựa và hỗ trợ cho IDE và ATAPI dùng trên các pc-compatible (và trên nhiều architecture khác hiện có trên thị trường). Hầu hết các hệ thống cần các chức năng hỗ trợ trong phần này.

Cryptography Support (CryptoAPI)
Đây là một phần khá mới và lý thú trong mã nguồn của Linux kernel 2.4.x (chỉ được giới thiệu và công bố trong các phiên bản sau này của 2.4.x). Phần này có những lựa chọn thuộc về vấn đề "mã hoá" cho filesystems. Bạn có thể biên dịch các chọn lựa trong mục này và xử dụng (hoặc không) trên máy tùy ý.

Networking Options
Đây là một phần cực kỳ quan trọng trong cấu hình biên dịch nhân Linux nếu bạn muốn máy của mình gắn liền với mạng. Nó bao gồm các chọn lựa cho cả IPv4 và IPv6 networking. Đây cũng là một phần hết sức phức tạp, cho nên, để có thể hiểu rõ và chọn lựa đúng cho hiệu năng tối đa của máy về mặt networking, bạn nên tham khảo rộng rãi các tài liệu về Linux networking, ít nhất là nên đọc các tài liệu kèm theo trong mã nguồn Linux kernel ở <KERNL_SRC>/Documentation/networking/ (thường là /usr/src/linux-2.x.xx/Documentation/networking/).

SCSI Support
Phần chọn lựa cho SCSI ít được những người dùng PC bình thường quan tâm đến vì không mấy ai dùng SCSI cho máy con. Tuy nhiên nếu bạn dùng SCSI card (hoặc SCSI built-in trên motherboard) hoặc dùng CDR/W qua IDE nhưng chạy ở dạng SCSI emulation thì phải điều chỉnh các chọn lựa trong mục này. Điều quan trọng cần nhớ, nếu không dùng tiện dụng initrd, khi chọn lựa SCSI cho một filesystem chạy trên SCSI disk bạn phải biên dịch trực tiếp các chọn lựa cho SCSI vào kernel thay vì dùng dưới dạng module. Nếu không, kernel sẽ treo trong giai đoạn Linux kernel boot vì module hỗ trợ SCSI chưa được load trong giai đoạn này.

Character Devices
Trong mục này có khá nhiều lựa chọn tập trung vào các thiết bị như serial và parellel, mouse, joysticks (để chơi games). Tắt hoặc mở các lựa chọn trong mục này thường ít tạo ảnh hưởng nghiêm trọng.

File Systems
Mục này chứa trọn bộ các chọn lựa liên quan đến file system và các loại file system được hỗ trợ trên Linux (bao gồm các file system thường được hỏi đến như FAT, FAT32, NTFS, ISO cho CD-ROM....). Các file system phụ trợ như NTFS, FAT... có thể được biên dịch như một module cho kernel. Không nên biên dịch các modules cho file system dùng để "mount" trong giai đoạn boot như ext3, jbd mà nên biên dịch thẳng vào kernel (Lý do tương tự như đã đề cập trong phần "SCSI Support" ở trên). Cách này sẽ làm kích thước kernel lớn hơn nhưng sẽ an toàn và đơn giản hơn. Chức năng hỗ trợ initrd có thể dùng để tải các modules cần thiết trong quá trình Linux kernel boot nhưng phải nhớ bật chức năng này lên trong phần block devices. Đây là vấn đề tùy chọn của từng cá nhân.

7.1.2 Thành phần Linux kernel configuration thuộc kernel 2.6.x series

code Maturity Level Options
Phần này tương tự như đã đề cập ở trên cho kernel 2.4.x series

General Setup
Phần này tương tự như đã đề cập ở trên cho kernel 2.4.x series

Loadable Module Support
Phần này tương tự như đã đề cập ở trên cho kernel 2.4.x series

Processor Type and Features
Phần này tương tự như đã đề cập ở trên cho kernel 2.4.x series

Power Management Options
Phần này tương tự như đã đề cập ở trên cho kernel 2.4.x series

Executable File Formats
Đây là một mục riêng biệt trong cấu hình biên dịch nhân của series 2.6.x. Nếu bạn quan tâm đến "a.out", "elf" và "misc", nên nghiên cứu kỹ phần này qua các tài liệu kèm theo với mã nguồn kernel, đặt biệt cho các tiện dụng của "misc" (<KERNEL_SRC>/Documentation/mono.txt, <KERNEL_SRC>/Documentation/binfmt_misc.txt, <KERNEL_SRC>/Documentation/filesystem/proc.txt)

Device Drivers
Đây là một mục mới trong phần cấu hình biên dịch nhân của series 2.6.x. Thật ra device drivers nằm rải rác khắp nơi trong kernel build configuration của series 2.4.x. Ở series 2.6.x, mọi vấn đề liên quan đến "device drivers" được gom lại trong cùng một nhóm. Các chọn lựa thuộc về các thiết bị như graphic card, sound card, USB, SCSI và vấn đề hiệu chỉnh chúng đều tập trung ở đây.

File Systems
Phần này tương tự như đã đề cập ở trên cho kernel 2.4.x series

Security Options
Phần này dành riêng cho các vấn đề về bảo mật của kernel. Cho đến nay vẫn còn đang phát triển, tuy nhiên, đây là phần đầy hứa hẹn cho một Linux kernel mang tính bảo mật cao.

<kết thúc phần 2>. Xem tiếp phần 3 tại /hvaonline/posts/list/87.html.

<hnd, vninformatics.com / diendantinhoc.net - 30/05/2004>

Tác giả : Conmale (hnd) -
Nguồn : www.diendantinhoc.net
[Up] [Print Copy]
[digg] [delicious] [google] [yahoo] [technorati] [reddit] [stumbleupon]
Go to: 
 Users currently in here 
1 Anonymous

Powered by JForum - Extended by HVAOnline
 hvaonline.net  |  hvaforum.net  |  hvazone.net  |  hvanews.net  |  vnhacker.org
1999 - 2013 © v2012|0504|218|